Các giai đoạn sâu răng và phương án xử lý tương ứng ?
Thông thường, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các vị trí sâu trên răng thông qua các chấm nhỏ màu đen trên thân răng. Đây là hiện tượng men răng bị ăn mòn, hiện tượng này có các mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau. Và cũng vì thế mà mức ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng đối với từng người cũng khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung thì quá trình sâu răng bao gồm 4 giai đoạn như sau.
Các giai đoạn sâu răng:
Giai đoạn 1: Men răng bị ăn mòn
Đây là giai đoạn nhẹ nhất và thường khó phát hiện nhất do vùng men răng không có các dây thần kinh cảm giác. Chính vì thế khi men răng bị sâu sẽ không gây ra cảm giác đau hay khó chịu. Chúng ta chỉ có thể nhận ra thông qua các chấm màu đục hay đen khi soi thật kĩ thân răng.
Nếu quan tâm đến răng thường xuyên, chúng ta có thể phát hiện kịp thời và xử lý các xoang sâu răng thật sớm. Từ đó sẽ không cần phải đau đầu về việc xoang phát triển to hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như thế, chính vì vậy chúng ta cần hiểu rõ hơn đến giai đoạn thứ 2 sau đây:
Giai đoạn 2: Xoang sâu lan đến ngà răng
Sau khi đi xuyên qua men răng, xoang sâu sẽ lan dần đến khu vực ngà răng. Cấu trúc của ngà răng rất khác so với men răng. Tại đây chúng ta sẽ bắt đầu nhận thức được từng cơn ê buốt và đau nhức khi ngà răng tiếp xúc với cả tác nhân nóng và lạnh. Giai đoạn này cần được xử trí sớm và kịp thời trước khi ổ răng bắt đầu gây ra những ảnh hưởng nặng hơn đến sinh hoạt hằng ngày.
Tuy vậy, mọi người thường có suy nghĩ rằng những cơn đau này sẽ tự khỏi và chỉ dùng thuốc giảm đau thay vì đến nha sĩ để kiểm tra tình trạng răng. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn việc kiểm tra sức khỏe răng miệng vào thời điểm này ?
Giai đoạn 3: Buồng tủy bị nhiễm khuẩn
Có thể nói, buồng tủy chính là cấu trúc quan trọng nhất duy trì “sự sống” của chiếc răng. Men răng và ngà răng chính là 2 hàng rào bảo vệ cho buồng tủy. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi tác nhân sâu răng đã đi xuyên qua 2 lớp hàng rào và vươn đến buồng tủy ?
Buồng tủy bao gồm mạch máu và dây thần kinh đến nuôi dưỡng răng. Khi cấu trúc này bị nhiễm khuẩn sẽ gây ra các triệu chứng đau nhức khủng khiếp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn uống cũng như các sinh hoạt hằng ngày.
Giai đoạn 4: Tủy bị hỏng (chết tủy)
Buồng tủy bị viêm (nhiễm khuẩn) không được xử lý sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lan sang khu vực nha chu. Không chỉ làm chết tủy mà còn gây ra các triệu chứng, tổn thương nghiêm trọng như sưng vùng hàm mặt, tiêu xương, mất các răng kế cận.
Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng
Tuy sâu răng có đến 4 giai đoạn phát triển, nhưng nguyên nhân đầu tiên và cốt lõi nhất vẫn là việc các vi khuẩn ăn mòn các lớp cấu trúc răng.
Các loại thực phẩm có thành phần là đường như bánh kẹo, sữa, chocolate… chứa nhiều đường ngoại sinh, đây là nguyên nhân gây ăn mòn chính. Các loại đường này tồn tại trong các mảng thức ăn bám chặt vào các vị trí kẽ răng, chân răng và bề mặt răng. Khi chúng ta không vệ sinh răng miệng đúng cách và đều đặn, các mảng bám sẽ trở thành một nguồn dinh dưỡng dồi dào để vi khuẩn sinh sôi và ăn mòn cấu trúc răng từ ngoài vào trong, tạo ra các giai đoạn sâu răng và phát triển ngày một nặng hơn.
Các cách điều trị tương ứng với từng giai đoạn
Chúng ta cần thăm khám và kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên nhằm phát hiện và ngăn chặn các triệu chứng sâu răng từ sớm. Tránh trường hợp sâu răng đã phát triển mạnh sẽ khiến cho việc khắc phục trở nên khó khăn và ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe răng miệng.
Dùng florua lỏng hoặc gel:
Khi men răng mới bị tổn thương ở giai đoạn đầu tiên. Chúng ta có thể dùng fluoride nhằm tái tạo men răng, ngăn chặn sâu từ giai đoạn từ rất sớm. Thông thường fluoride được sử dụng dưới dạng chất lỏng hoặc gel, bọt, vecni dùng để chải lên răng hoặc dùng chung với nước máy, nước súc miệng hằng ngày. Ngoài ra còn có phương pháp dùng khay nhỏ chứa fluoride đặt lên răng của người cần điều trị.
Trám xoang sâu trên răng:
Khi sâu răng đã bắt đầu ảnh hưởng đáng kể các cấu trúc men răng và ngà răng. Trám răng là phương án được ưu tiên hàng đầu. Các vật liệu trám thông dụng nhất hiện tại gồm nhựa composite, hỗn hợp sứ và kết hợp với một số vật liệu khác.
Các xoang sâu sẽ được bác sĩ xử lý sạch sẽ trước khi tiến hành trám bít lỗ sâu, ngăn chặn các tác nhân sâu răng như vi khuẩn xâm lấn trở lại.
Bọc răng sứ:
Đối với răng bị vỡ, bể các mảng quá lớn, răng cần được xử lý và bọc phủ lại toàn bộ phần thân răng kĩ càng. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành chữa nội nha, mài phần răng còn lại để tạo “cùi răng”. Sau đó dùng một mão răng được làm bằng sứ hoặc kim loại bọc lại nhằm bảo vệ phần răng còn lại được nguyên vẹn. Phần mão này sẽ có mức độ thẩm mỹ và độ bền cơ học cao nhằm đáp ứng cả việc bảo vệ răng, chức năng ăn nhai và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người sử dụng.
Nhổ răng sâu:
Khi tình trặng răng bị sâu đã tiến triển mạnh đến mức khó có thể phục hồi .Bác sĩ buộc phải nhổ bỏ chiếc răng đó nhằm ngăn chặn vi khuẩn xâm lấn sang các khu vực xung quanh gây viêm hoặc tệ hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của các răng kế cận.
Phương pháp xử lý này sẽ tạo ra khoảng trống tại vị trí răng bị mất và khiến cho các răng trên cung răng bắt đầu xê dịch. Vì thế độ thẩm mỹ của toàn hàm không còn được đảm bảo. Đây là phương án cần hạn chế nhất.
Hy vọng qua bài viết này, quý khách có cái nhìn tổng quát hơn, đồng thời hiểu rõ hơn về các giai đoạn tiến triển sâu răng và cách xử lý chúng.
Bài viết khác
Cách lựa chọn kem đánh răng chất lượng cho gia đình - 30/07/2024
Có nên trám răng thưa? - 12/08/2024
TẶNG CHA MẸ HÀM RĂNG MỚI CHẮC KHOẺ, CUỘC SỐNG TRỌN NIỀM VUI - 17/08/2024
Vì sao Dán sứ đắt hơn Bọc sứ? - 23/08/2024
Tại sao mất răng nên cấy ghép implant - 24/08/2024
Viêm tủy răng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị - 29/08/2024
4 THỜI ĐIỂM KHÔNG NÊN NHỔ RĂNG KHÔN CẦN TRÁNH - 04/09/2024
ĐIỀU TRỊ SÂU RĂNG CHO TRẺ | PHÒNG KHÁM NHA KHOA TRẺ EM TPHCM - 28/02/2023
CÁCH CHỮA VIÊM TỦY RĂNG | DẤU HIỆU VIÊM TỦY RĂNG - 06/03/2023